5 lưu ý quan trọng để xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả

17 Nov, 2021 admin

Trang web đa ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong việc mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng quốc tế. Nhưng để xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả, việc cần làm không chỉ đơn giản là dịch nội dung. Còn có rất nhiều vấn đề bạn phải quan tâm như: lựa chọn tên miền phù hợp, thực hiện chiến dịch SEO địa phương, thiết kế trang web theo thị hiếu của người dùng,…

Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số lưu ý quan trọng để giúp bạn tạo ra một website đa ngôn ngữ hoạt động hiệu quả cho riêng mình.

1. Sử dụng theme toàn cầu để xây dựng hình ảnh thương hiệu một cách nhất quán

Muốn xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả, bạn nên cung cấp cho người dùng một trải nghiệm nhất quán, bất kể họ truy cập vào phiên bản ngôn ngữ nào trên trang web của bạn. Điều này có nghĩa là dù website tiếng Việt hay tiếng Anh thì các yếu tố như: logo thương hiệu, bố cục, khung sườn thiết kế web,… đều phải giống nhau.

Ví dụ, khi bạn truy cập vào trang chủ của Airbnb tại Úc thì giao diện website sẽ như sau:

xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả

Còn dưới đây là hình ảnh giao diện website của Airbnb phiên bản tiếng Nhật:

xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả

Chúng ta có thể thấy hình ảnh thương hiệu của Airbnb ở phiên bản tiếng Nhật rất giống với phiên bản tiếng Anh trước đó.

Việc có một mẫu thiết kế nhất quán, dễ nhận biết không chỉ góp phần củng cố hình ảnh thương hiệu mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi muốn cập nhật lại giao diện website đa ngôn ngữ trong tương lai.

Khi sử dụng chung một mẫu thiết kế cho các phiên bản ngôn ngữ website khác nhau cần lưu ý:

  • Chọn mẫu được quốc tế hóa, sẵn sàng cho việc dịch thuật. Bạn có thể tham khảo các theme cho website đa ngôn ngữ tốt nhất tại đây.
  • Sử dụng giao diện web đồng nhất về mặt bố cục, thiết kế khung sườn, hiệu ứng,… nhưng cần thay đổi hình ảnh quảng cáo sản phẩm, biểu tượng để phù hợp với thị hiếu của khách hàng ở từng địa phương khác nhau (chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này trong phần tiếp theo của bài viết).

2. Sử dụng hình ảnh và biểu tượng phù hợp với văn hóa địa phương

Bạn cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng hình ảnh và biểu tượng trên website đa ngôn ngữ. Bởi vì cùng là một hình ảnh nhưng khi đặt vào các bối cảnh văn hóa khác nhau thì nó có thể được hiểu theo những ý nghĩa khác nhau.

Ví dụ, trong văn hóa phương Tây, hình ảnh có màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, năng lượng, đam mê và sự nguy hiểm. Nhưng ở châu Á, đó là màu sắc của sự may mắn, thịnh vượng và một cuộc sống dài lâu. Còn đối với châu Phi, màu đỏ lại gắn liền với cái chết và sự hung hãn.

Chính vì sự khác biệt trong văn hóa đó nên đối với các phiên bản ngôn ngữ khác nhau của website, bạn cần lựa chọn hình ảnh quảng cáo riêng.

Đơn cử như trong hình minh họa bên dưới, phiên bản tiếng Pháp của trang chủ Clarins sử dụng hình ảnh một phụ nữ da trắng để quảng cáo:

xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả
Trang chủ Clarins phiên bản tiếng Pháp

Nhưng khi truy cập trang chủ bằng tiếng Hàn của công ty, bạn sẽ thấy hình ảnh của một phụ nữ Hàn Quốc:

xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả
Trang chủ Clarins phiên bản tiếng Hàn

Ngoài ra, hình ảnh cũng có khả năng gây phản cảm. Những hình ảnh có vẻ bình thường đối với khán giả phương Tây có thể bị cấm kỵ ở một số quốc gia khác. Ví dụ như: Hình ảnh mô tả các cặp đôi đồng tính nam hoặc bình đẳng giới sẽ không được chấp nhận ở các quốc gia nơi đồng tính luyến ái vẫn bị coi là bất hợp pháp và quyền của phụ nữ chưa được công nhận đầy đủ.

Nếu muốn nhắm đến quốc gia nào, bạn cần tìm hiểu về văn hóa quốc gia đó trước khi làm website đa ngôn ngữ. Như vậy mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét các yếu tố nhỏ hơn như hình ảnh biểu tượng trên website. Ví dụ như trong hình minh họa bên dưới, biểu tượng quả địa cầu thứ nhất nên được dùng cho khán giả Úc do có hình ảnh của châu Úc. Tương tự, hình quả địa cầu thứ hai sẽ dùng cho châu Phi. Còn biểu tượng thứ ba là một quả địa cầu nhưng không có quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Do đó, nó thích hợp để sử dụng cho tất cả các phiên bản của website đa ngôn ngữ.

3. Chọn cấu trúc URL cho website đa ngôn ngữ

Hiện nay, có 3 cách để cấu trúc tên miền khi tạo website đa ngôn ngữ. Mỗi lựa chọn đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế mà bạn có thể cân nhắc để đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho mình.

Sử dụng tên miền riêng biệt ccTLD

ccTLD là tên miền cao cấp nhất có mã quốc gia. Khi sử dụng ccTLD, phần mở rộng của tên miền sẽ có dạng:

www.yourwebsite.fr (Pháp)

www.yourwebsite.com.eu (Liên minh châu Âu)

www.yourwebsite.vn (Việt Nam)

Bằng cách sử dụng ccTLD riêng cho từng quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, nội dung trên website có thể được biên soạn theo hướng địa phương hóa dễ dàng và giúp người dùng có được những trải nghiệm chuyên biệt. Ngoài ra, vì đây là những website với tên miền độc lập nên bạn sẽ không phải chuyển hướng các trang và giảm thiểu được nguy cơ liên kết hỏng.

Tuy nhiên, cách làm này có thể rất tốn kém. Việc quản lý và cập nhật nội dung khá khó khăn do phải kiểm soát một lúc nhiều trang web khác nhau.

Sử dụng tên miền phụ + gTLD

Các tên miền gTLD có thể sử dụng kết hợp với tên miền phụ (subdomain), ví dụ như: fr.website.com để truy cập vào website phiên bản tiếng Pháp.

Với cách làm này, bạn sẽ rất dễ dàng để thiết lập và quản lý trang web đa ngôn ngữ. Các subdomain khác nhau sẽ được xếp hạng riêng, không ảnh hưởng đến nhau và cũng không liên quan đến domain chính. Ví dụ, hotels.com có 2 subdomain là es.hotel.com, fr.hotels.com. Ba tên miền này sẽ có kết quả xếp hạng riêng biệt trên Google và không ảnh hưởng đến pagerank của nhau.

Tuy nhiên, khi sử dụng subdomain, bạn sẽ phải chuyển hướng trang và có thể gặp rủi ro liên kết hỏng.

Sử dụng gTLD + thư mục con

Với phương pháp này, bạn có thể sử dụng đường dẫn URL theo dạng: website.com/en/content để hiển thị website phiên bản tiếng Anh; website.com/fr/content để hiển thị website phiên bản tiếng Pháp;….

Đây là một cách xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả được khá nhiều người áp dụng hiện nay. Nếu sử dụng các plugin dịch thuật như TranslatePress hay Weglot, bạn sẽ được mặc định sử dụng subfolder cho các phiên bản website đa ngôn ngữ khác nhau.

Ưu điểm của việc dùng thư mục con là quản lý, cập nhật nội dung dễ dàng (đơn giản hơn cả subdomain). Ngoài ra, khi dùng subfolder, các từ khóa cũng có thể được hưởng rank từ site chính (điều này sẽ rất có lợi khi từ khóa là tên của một sản phẩm và pagerank của site chính cao).

Tuy nhiên, tương tự như subdomain, subfolder cũng tiềm ẩn các nguy cơ liên kết hỏng.

4. Làm cho nút chuyển đổi ngôn ngữ thật sự dễ tìm

Hãy đặt nút chuyển đổi ngôn ngữ tại vị trí nổi bật trên trang web của bạn để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy nó. Một số nơi bạn có thể nghĩ đến là: ở góc trên cùng bên phải của trang, thanh menu bên cạnh hoặc thả nổi trên giao diện website.

Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo nút chuyển đổi ngôn ngữ được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu đối với người đọc. Tốt nhất hãy sử dụng tên ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ. Ví dụ: Với tiếng Đức, bạn nên sử dụng từ “Deutsch” thay vì “tiếng Đức”. Còn với tiếng Nhật, bạn nên dùng từ “日本語” thay vì “tiếng Nhật”.

Nhiều website đa ngôn ngữ gắn thêm quốc kỳ vào nút chuyển đổi để độc giả dễ nhận biết hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này có thể gây ra sự nhầm lẫn và khó chịu cho người dùng. Ví dụ như tiếng Anh được sử dụng ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Việc gắn cờ nước Anh phía trước ngôn ngữ “English” có thể khiến một số người ở những quốc gia còn lại không hài lòng.

Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng tên đầy đủ của ngôn ngữ và không cần phải gắn thêm quốc kỳ. Cờ không đại diện cho ngôn ngữ, chúng chỉ đại diện cho quốc gia.

5. Chú trọng chiến dịch SEO địa phương

Nếu thật sự nghiêm túc và muốn xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả, bạn cần nghĩ đến chiến dịch SEO với các nhóm từ khóa riêng cho mỗi ngôn ngữ. Dưới đây là một số gợi ý nhỏ để giúp bạn SEO đa ngôn ngữ tốt hơn:

Nghiên cứu từ khóa phổ biến trong các ngôn ngữ khác

Một chiến lược nội dung SEO đa ngôn ngữ vững chắc luôn phải bắt đầu với việc nghiên cứu từ khóa. Điều này có nghĩa là bạn cần xác định các từ khóa mục tiêu cho từng khu vực và ngôn ngữ, cùng với các cụm từ tìm kiếm thích hợp. Từ khóa tìm kiếm của người dùng ở từng quốc gia sẽ khác nhau.

Ví dụ như hình bên dưới, ta có thể thấy “how to install wordpress plugin” là một từ khóa được tìm kiếm phổ biến bằng tiếng Anh:

seo website đa ngôn ngữ
Cụm từ “how to install wordpress plugin” có lượt tìm kiếm cao

Tuy nhiên, khi dịch cụm từ này khi dịch sang tiếng Tây Ban Nha thì trở thành “como instalar plugin wordpress” và có lượng tìm kiếm rất thấp:

seo website đa ngôn ngữ
Cụm từ tương ứng trong tiếng Tây Ban Nha là “como instalar plugin wordpress” có lượt tìm kiếm thấp

Như vậy, nếu bạn làm một trang web hướng dẫn WordPress bằng tiếng Anh và muốn có thêm phiên bản blog tiếng Tây Ban Nha thì không nên tập trung dịch các bài viết liên quan đến cách cài đặt plugin WordPress. Thay vào đó, nên nghiên cứu các từ khóa tiếng Tây Ban Nha phổ biến khác để thu hút được nhiều độc giả hơn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm các công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa trong bài viết sau:

Top 7 Công cụ kiểm tra thứ hạng từ khóa (Tốt Nhất 2020)

Không sử dụng dịch tự động 100%

Mặc dù hiện nay có nhiều plugin hỗ trợ dịch tự động như TranslatePress, Weglot. Nhưng các bản dịch tự động không phải lúc nào cũng chính xác và có thể bị Google coi là spam. Do đó, nếu muốn website đa ngôn ngữ xếp hạng cao, tốt nhất bạn nên có một đội ngũ dịch thuật riêng để đảm bảo nội dung được chính xác và phù hợp với văn hóa địa phương.

Trong trường hợp không đủ nguồn lực, bạn cũng cần dành thời gian xem lại các bản dịch tự động để có các chỉnh sửa phù hợp. Ngoài ra, Google khuyên nên sử dụng tệp robots.txt để ngăn chặn việc công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu các trang được dịch tự động trên website của bạn.

Sử dụng thẻ hreflang

Thẻ hreflang sẽ cho Google biết ngôn ngữ bạn đang sử dụng trên một trang cụ thể.

Mẫu thẻ hreflang có dạng: hreflang = “x”. Trong đó x là tên viết tắt của ngôn ngữ. Ví dụ: Thẻ hreflang của một trang web tiếng Anh sẽ được viết như sau: hreflang = “en”.

Việc thêm các thẻ này vào trang rất đơn giản. Nếu bạn đang sử dụng các plugin đa ngôn ngữ như Polylang, WPML hay TranslatePress, plugin sẽ tự động thêm thẻ hreflang vào trang web của bạn.

Còn nếu xây dựng website đa ngôn ngữ mà không sử dụng các plugin kể trên thì bạn có thể tự chèn thủ công thẻ hreflang vào trước thẻ đóng hoặc dùng plugin HREFLANG Tags Lite.

Tuy làm website với các phiên bản ngôn ngữ khác nhau là một việc không hề đơn giản nhưng nếu có đủ kiên nhẫn để thực hiện thì lợi ích mà bạn nhận được sẽ rất lớn. Hy vọng những chia sẻ trên của chúng tôi sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để xây dựng website đa ngôn ngữ hiệu quả. Chúc bạn thành công!

Nếu muốn bắt đầu thử tạo một phiên bản website bằng ngôn ngữ khác ngay bây giờ, bạn có thể đọc thêm các bài viết về cách sử dụng plugin dịch thuật Weglot, Polylang và TranslatePress của chúng tôi.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments