So sánh Polylang và WPML – Plugin đa ngôn ngữ nào tốt hơn?
17 Nov, 2021 admin
Plugin đa ngôn ngữ là một công cụ rất quan trọng, giúp bạn xây dựng website đa ngôn ngữ nhanh chóng, hiệu quả. Giữa rất nhiều sự lựa chọn hiện nay như TranslatePress, Weglot, Multilingualpress, Loco Translate,… thì WPML và Polylang là 2 plugin nổi bật, được khá nhiều người sử dụng để tạo website đa ngôn ngữ. Vậy chúng có điểm gì nổi trội? Giữa 2 plugin này, cái tên nào phù hợp và xứng đáng để bạn “chọn mặt gửi vàng”?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá, so sánh chi tiết giữa Polylang và WPML để giúp bạn lựa chọn được plugin đa ngôn ngữ tốt nhất cho nhu cầu của mình. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Giới thiệu chung
1.1. Polylang
Polylang là một plugin đa ngôn ngữ khá phổ biến và đang được sử dụng trên hơn 600.000 website WordPress. Với đánh giá 4,7/5 sao theo xếp hạng của người dùng, Polylang có thể giúp bạn xây dựng website đa ngôn ngữ dễ dàng, nhanh chóng. Plugin hiện cung cấp một phiên bản miễn phí và ba gói trả phí để người dùng tùy chọn.
1.2. WPML
Được phát triển bởi OnTheGoSystems từ năm 2007, WPML (viết tắt của WordPress Multilingual) hiện đang là plugin đa ngôn ngữ lâu đời và nổi tiếng nhất hiện nay. Sử dụng WPML, bạn có thể dịch được tất cả các nội dung trên website như bài viết, các trang, menu, widget, taxonomy, custom post type (bao gồm cả woocommerce product), nội dung được tạo bởi page builder,…
Ngoài ra, plugin cũng cho phép bạn kết nối với các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp để có được bản dịch chính xác và chất lượng hơn. Do thường xuyên được nhà phát triển cập nhật nên WPML có thể tương thích tốt với các phiên bản WordPress mới nhất.
2. So sánh Polylang và WPML – Plugin đa ngôn ngữ nào tốt hơn?
Để đưa ra đánh giá chính xác hơn về Polylang và WPML, chúng ta sẽ cùng so sánh 2 plugin website đa ngôn ngữ này dựa trên các yếu tố quan trọng như sau:
- Tính dễ cài đặt
- Giao diện dịch
- Các loại nội dung có thể dịch
- Số lượng ngôn ngữ hỗ trợ
- Khả năng dịch tự động
- Hiệu suất/Tốc độ
- Hỗ trợ và tài liệu
- Giá cả
2.1. Tính dễ cài đặt
Polylang
Với phiên bản Polylang miễn phí, bạn có thể download và cài đặt plugin trong kho ứng dụng của WordPress rất dễ dàng, tương tự như các plugin WordPress thông thường khác.
Nếu bạn chọn phiên bản Polylang trả phí thì cách cài đặt cũng rất đơn giản. Để sử dụng toàn bộ tính năng của plugin, người dùng chỉ cần tải xuống 2 file zip từ trang web nhà cung cấp Polylang, sau đó upload lên trang WordPress của mình.
Nếu chưa rõ cách thực hiện, bạn có thể xem thêm bài viết hướng dẫn cài đặt plugin WordPress.
WPML
Để dùng được plugin WPML, bạn bắt buộc phải tải xuống và cài đặt tối thiểu 4 file zip: plugin lõi WPML, String Translation, Translation Management và Media Translation. Nếu muốn sử dụng full tính năng của plugin, người dùng cần phải cài thêm khoảng 12-13 add on khác nữa. Chính bởi quá trình cài đặt phức tạp như vậy nên nhiều người vẫn còn cảm thấy e ngại khi lựa chọn plugin WPML.
Người chiến thắng
Qua những đánh giá trên, có thể thấy plugin Polylang dễ dàng cài đặt hơn so với WPML.
2.2. Giao diện dịch
Polylang
Quá trình dịch của Polylang được thực hiện thủ công trên giao diện WordPress Editor. Để tạo ra phiên bản dịch cho website, bạn cần soạn thảo post/page với ngôn ngữ mặc định (ở ví dụ bên dưới là tiếng Anh), sau đó click vào nút + (nút chuyển ngữ) ở menu “Language” bên phải:
Tiếp theo, WordPress sẽ chuyển đến một trang edit hoàn toàn mới để người dùng add nội dung dịch vào:
Nhìn chung, giao diện chỉnh sửa và cách thức biên tập nội dung dịch của Polylang khá đơn giản, dễ thực hiện. Nếu bạn đã thành thạo với việc biên soạn, đăng tải bài trên WordPress thì việc dịch nội dung website bằng Polylang cũng không có gì khác biệt. Tuy nhiên, do trang gốc và trang dịch xuất hiện riêng biệt, hoàn toàn độc lập với nhau nên người dùng sẽ khó đối chiếu, so sánh nội dung giữa bản dịch với bản gốc.
Bạn có thể xem thêm bài viết “Hướng dẫn sử dụng plugin Polylang xây dựng website đa ngôn ngữ” để hiểu hơn về quá trình dịch nội dung website của Polylang.
WPML
Plugin WPML cũng thực hiện dịch thủ công trên WordPress Editor. Tuy nhiên, khác với Polylang, WPML cho phép hiển thị song song nội dung bản gốc và bản dịch trên cùng một giao diện. Điều này giúp người dùng thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đối chiếu và chỉnh sửa nội dung nếu cần.
Ngoài ra, WPML còn hiển thị trạng thái dịch “đã hoàn thành” hoặc “đang tiến hành …%” trên bảng điều khiển. Như vậy, bạn có thể nhanh chóng biết được nội dung nào đã dịch xong và nội dung nào vẫn cần phải chỉnh sửa.
Để biết cách dịch nội dung website với plugin đa ngôn ngữ WPML, bạn có thể đọc thêm bài viết “Hướng dẫn tạo website đa ngôn ngữ với WPML” trên website của Diều Hâu.
Người chiến thắng
Cả WPML và Polylang đều có giao diện dịch thuật đơn giản, dễ sử dụng. Tuy nhiên, với WPML, bạn có thể so sánh, đối chiếu và quản lý nội dung dịch hiệu quả hơn. Do đó, xét về phương diện này, chúng tôi đánh giá plugin WPML là người chiến thắng.
2.3. Số lượng ngôn ngữ hỗ trợ
Polylang
Polylang hiện cho phép hỗ trợ hơn 100 ngôn ngữ khác nhau cho các bản dịch. Và nếu không tìm thấy ngôn ngữ mà mình muốn, bạn cũng có thể add thêm vào.
WPML
Mặc định, sau khi cài đặt xong plugin WPML, bạn sẽ được hỗ trợ dịch 64 ngôn ngữ. Nhưng nếu cần nhiều ngôn ngữ hơn, người dùng cũng có thể thêm ngôn ngữ mình muốn với trình soạn thảo ngôn ngữ của WPML.
Người chiến thắng
Dễ dàng nhận thấy Polylang là plugin dành chiến thắng với số lượng ngôn ngữ hỗ trợ vượt trội hơn so với WPML.
2.4. Các loại nội dung có thể dịch
Polylang
Với phiên bản Polylang miễn phí, bạn có thể dịch được các bài post, page, categories, tag, widget, taxonomy, media và một số string cơ bản trên trang web. Tuy nhiên string translate của Polylang miễn phí có nhiều hạn chế so với WPML.
Đối với phiên bản Polylang Pro, bạn có thể dịch được thêm slug URL cho custom post type và taxonomy nhưng không thể dịch theme. Để dịch được theme và các plugin trên web bằng Polylang, bạn cần tải thêm tiện ích của bên thứ ba là:
Nếu muốn dịch nội dung trên WooCommerce, bạn cần sử dụng plugin phiên bản trả phí Polylang for WooCommerce hoặc Polylang Business Pack.
WPML
Một trong những ưu điểm nổi bật của WPML là plugin có khả năng dịch website một cách toàn diện. Với gói WPML CMS, bạn có thể dịch content post, tất cả text của theme/ plugin, menu, widget, taxonomy, custom field, sản phẩm trên WooCommerce,…
Nếu chọn gói WPML Blog thì tính năng sẽ không linh hoạt bằng WPML CMS và cũng không thể hỗ trợ dịch WooCommerce. Do đó, WPML CMS là một sự lựa chọn phổ biến được nhiều người sử dụng để tạo ra website đa ngôn ngữ toàn diện.
Người chiến thắng
Rất dễ dàng để nhận thấy WPML có khả năng dịch nội dung website toàn diện hơn so với Polylang. Do đó, một lần nữa WPML lại là người chiến thắng ở khía cạnh này.
2.5. Khả năng dịch tự động
Polylang
Bên cạnh phương pháp dịch thủ công, Polylang cũng cho phép người dùng dịch tự động nội dung trên website với sự trợ giúp của plugin dịch Lingotek Translation.
Lingotek là một hệ thống quản lý bản dịch dựa trên đám mây được xây dựng để tích hợp với plugin Polylang. Bạn cần cài đặt plugin, sau đó thiết lập tài khoản trên Lingotek thì mới có thể sử dụng tính năng dịch tự động.
Lingotek cung cấp các bản dịch tự động với ba dịch vụ tùy chọn:
- Dịch máy: Lingotek sử dụng công cụ dịch máy là Microsoft Translator. Người dùng sẽ được miễn phí dịch 100.000 ký tự đầu tiên.
- Bản dịch cộng đồng: Đây là bản dịch do chính bạn hoặc người dùng trong cộng đồng cung cấp. Nội dung được tạo bằng trình soạn thảo văn bản chuyên nghiệp trên Lingotek Workbench Extension.
- Dịch thuật chuyên nghiệp: Nếu có đủ ngân sách thì đây là lựa chọn tốt nhất mà bạn nên xem xét. Tùy chọn này cho phép bạn thuê các dịch giả chuyên nghiệp (trong cộng đồng hơn 5.000 chuyên viên của Lingotek) để dịch các nội dung trên web của mình. Sử dụng dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có được những bản dịch đáng tin cậy và chính xác hơn. Tuy nhiên giá cả cũng không hề rẻ chút nào.
WPML
WPML chỉ hỗ trợ dịch tự động đối với gói Multilingual CMS và Multilingual Agency. Điều này có nghĩa là nếu bạn sử dụng gói Multilingual Blog (gói dùng để xây dựng blog WordPress đa ngôn ngữ đơn giản) thì sẽ không thể tiến hành dịch tự động nội dung trên website được.
WPML tính phí bản dịch dựa trên lượng credit. Và giá trị credit lại liên quan đến công cụ dịch mà bạn lựa chọn. Cụ thể như sau:
- Microsoft Azure = 1 credit / từ
- Google Translate = 2 credit/ từ
- DeepL = 4 credit/ từ
WPML cho phép bạn dịch miễn phí 2.000 credit/tháng. Nếu vượt quá con số này, người dùng sẽ bị tính phí theo số lượng credit được dịch mỗi tháng. Bạn có thể xem thêm thông tin đầy đủ về bảng giá dịch tự động của WPML tại đây!
Người chiến thắng
Cả WPML và Polylang đều hỗ trợ dịch tự động cho người dùng. Tuy nhiên, Polylang phải nhờ đến một dịch vụ của bên thứ ba là Lingotek. Còn tính năng dịch tự động lại được tích hợp sẵn trên WPML.
Mặt khác, khi xét về tính đa dạng và chất lượng của bản dịch thì WPML cũng tỏ ra nổi trội hơn với nhiều tùy chọn công cụ dịch máy khác nhau. Ngoài ra, các chính sách về giá dịch thuật của plugin WPML cũng rõ ràng hơn nhiều so với Polylang.
Như vậy, từ các phân tích trên, có thể thấy khả năng hỗ trợ dịch tự động của plugin WPML xứng đáng được đánh giá cao hơn Polylang.
2.6. Hiệu suất/tốc độ
Hiệu suất/ tốc độ tải trang là một trong những yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn plugin đa ngôn ngữ WordPress.
Để biết giữa Polylang và WPML, plugin nào có hiệu suất vượt trội hơn, chúng ta hãy cùng xem kết quả bài kiểm tra hiệu suất của đội ngũ TranslatePress (một plugin tương tự đang cạnh tranh với WPML và Polylang).
Bài kiểm tra được thực hiện trên một trang sử dụng theme Twenty Fifteen với nội dung khoảng 1.600 từ và không cài đặt thêm một plugin nào khác ngoại trừ plugin đa ngôn ngữ đang được kiểm tra.
Thời gian tải trang trên mỗi plugin được đo 30 lần và tính trung bình. Thực nghiệm này đã sử dụng Chrome DevTools để đo thời gian tải.
Thật ra, trong bài kiểm tra này, có tất cả 4 plugin đa ngôn ngữ cùng tham gia, đó là: TranslatePress, Weglot, Polylang và WPML. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, Diều Hâu xin phép chỉ xem xét tốc độ tải trang của Polylang và WPML để dễ dàng đưa ra đánh giá, so sánh hơn.
Dưới đây là kết quả:
Sau khi nhìn vào 2 biểu đồ trên, chúng ta có thể kết luận như sau:
Polylang
Ở trên trang gốc, tốc độ tải của Polylang chỉ mất khoảng 1,05 giây.
Khi hiển thị trang dịch, thời gian tải trang của Polylang tăng nhưng không đáng kể, vẫn giữ mức khoảng 1,07 giây.
WPML
Ngay ở trên trang gốc, tốc độ tải của plugin đa ngôn ngữ WPML đã chậm hơn hẳn so với Polylang (mất khoảng 1,32 giây).
Khi hiển thị trang dịch, thời gian tải của WPML cũng tăng lên khá nhiều so với trang gốc (mất khoảng 1,62 giây).
Người chiến thắng
Dựa vào kết quả của thử nghiệm trên, chúng ta có thể thấy rằng Polylang đã giành chiến thắng thuyết phục trước WPML trong cuộc chiến về hiệu suất.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này rất có thể là do khi cài đặt, WPML phải “gánh thêm” hơn 10 add on mới có thể sử dụng full tính năng. Trong khi đó, plugin Polylang thì chỉ cần cài đặt 2 file zip nên khá “nhẹ nhàng” và có hiệu suất tốt hơn.
2.7. Hỗ trợ và tài liệu
Polylang
Phiên bản miễn phí của Polylang sẽ không nhận được hỗ trợ từ nhà phát triển. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tận dụng lợi thế từ cộng đồng người dùng để tìm kiếm các thông tin liên quan đến plugin.
Nếu sử dụng gói Polylang Pro trở lên, bạn sẽ nhận được các hỗ trợ của nhà phát triển. Tuy nhiên, tài liệu mà Polylang cung cấp cũng không quá phong phú. Bạn có thể sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định khi tìm thông tin về plugin trên internet.
WPML
Một lợi thế lớn khi chọn plugin WordPress trả phí thay vì plugin miễn phí đó là nó thường đi kèm với các gói hỗ trợ cao cấp. Nếu sử dụng WPML, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà phát triển 19h/ngày với 9 ngôn ngữ khác nhau.
Tài liệu trực tuyến của plugin WPML cũng rất chi tiết và phong phú. Chúng giúp bạn giải đáp rõ ràng hầu như mọi thắc mắc, từ việc cài đặt/ thiết lập plugin cho đến cách sử dụng các tính năng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Người chiến thắng
Không cần phải bàn cãi quá nhiều, rõ ràng WPML là người chiến thắng ở “hạng mục” này.
2.8. Giá cả
Polylang
Bạn có thể tải và sử dụng Polylang hoàn toàn miễn phí trên kho ứng dụng của WordPress. Ngoài ra, plugin đa ngôn ngữ này cũng cung cấp 3 phiên bản trả phí, bao gồm:
- Gói Polylang Pro: Giá khởi điểm là 99 Euro/năm cho 1 trang web
- Gói Polylang for WooCommerce: Giá khởi điểm là 99 Euro/năm cho 1 trang web
- Gói Polylang Business: Giá khởi điểm là 139 Euro/năm cho 1 trang web
Các mức giá này sẽ thay đổi theo số lượng trang web bạn dùng.
Bạn có thể xem bảng giá chi tiết của Polylang tại đây!
WPML
WPML không cung cấp bản miễn phí. Nhưng mức giá của WPML được đánh giá là khá ổn so với những tính năng mà plugin cung cấp. Hiện tại, plugin WPML có 3 gói dịch vụ với mức giá như sau:
- Multilingual Blog: 29 USD/năm, sử dụng cho 1 trang web
- Multilingual CMS: 79 USD/năm, sử dụng cho 3 trang web
- Multilingual Agency: 159 USD/năm, số trang web không giới hạn
Tất cả các phiên bản của WPML đều bao gồm hỗ trợ, cập nhật trong một năm và đảm bảo hoàn tiền trong vòng 30 ngày.
Bạn có thể xem bảng giá chi tiết của WPML tại đây!
Người chiến thắng
Polylang chiếm ưu thế hơn nhờ có cung cấp phiên bản miễn phí. Tuy nhiên, nếu xem xét về mức giá đối với bản trả phí thì WPML lại rẻ hơn. Gói CMS WPML có giá 79 USD/năm, có thể sử dụng cho 3 trang web và hỗ trợ WooCommerce. Trong khi đó, phiên bản Polylang Pro lại có giá 99 Euro/ năm (~ 118 USD/năm), chỉ sử dụng cho 1 trang web và không hỗ trợ WooCommerce.
Như vậy, nếu muốn sử dụng plugin miễn phí thì bạn nên chọn Polylang. Còn nếu bạn quyết định trả phí thì plugin WPML lại là sự lựa chọn tối ưu hơn nhờ mức giá hợp lý và sở hữu nhiều tính năng hỗ trợ hữu ích.
3. Ưu/nhược điểm của Polylang và WPML
Để bạn dễ dàng hơn trong việc so sánh Polylang và WPML, sau đây chúng tôi xin đưa ra bảng tổng kết ưu, nhược điểm của hai plugin đa ngôn ngữ này:
Ưu điểm
Polylang | WPML |
|
|
Nhược điểm
Polylang | WPML |
|
|
4. Kết luận: Polylang và WPML – Nên chọn plugin nào?
Theo như những phân tích trên, có thể thấy Polylang và WPML đều có những ưu/ nhược điểm riêng. Tùy theo nhu cầu thực tế mà bạn cần cân nhắc lựa chọn plugin đa ngôn ngữ phù hợp cho mình.
Nếu thích dùng một plugin miễn phí, cài đặt đơn giản, hiệu suất cao thì Polylang là lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Nhưng nếu có đủ ngân sách và muốn xây dựng một trang web đa ngôn ngữ thật sự chỉn chu, toàn diện thì bạn nên lựa chọn plugin WPML để được cung cấp nhiều tính năng và nhận hỗ trợ tốt hơn từ nhà cung cấp.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn tìm ra plugin đa ngôn ngữ phù hợp với nhu cầu của mình. Chúc bạn xây dựng trang web đa ngôn ngữ thành công!