[Đánh giá] plugin TranslatePress – Có nên tạo website đa ngôn ngữ bằng TranslatePress?

17 Nov, 2021 admin

Hiện nay, có rất nhiều loại plugin hỗ trợ xây dựng website đa ngôn ngữ khác nhau như: Weglot, Polylang, WPML,… Trong đó, TranslatePress là một cái tên nổi bật, được rất nhiều người sử dụng.

Để giúp bạn có cái nhìn thấu đáo và hiểu hơn về các ưu, nhược điểm của TranslatePress, sau đây chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá chi tiết, đầy đủ về plugin dịch thuật này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Giới thiệu tổng quan về plugin TranslatePress

TranslatePress là một plugin dịch thuật WordPress được phát triển bởi Cozmoslabs. Hiện plugin này đã có hơn 100.00 lượt tải về và được xếp hạng 4,4/5 sao trên wordpress.org. Nhìn chung, plugin TranslatePress khá dễ sử dụng. Dù không am hiểu nhiều về lập trình, bạn vẫn có thể dịch các nội dung trực tiếp từ giao diện frontend của trang web.

TranslatePress là một plugin dịch thuật rất phổ biến hiện nay

Một số tính năng nổi bật của TranslatePress bao gồm:

  • Hỗ trợ dịch web đa ngôn ngữ
  • SEO Pack Addon: Hỗ trợ dịch slug, meta, tiêu đề trang, alt hình ảnh,… để giúp website tăng thứ hạng trên trang tìm kiếm địa phương.
  • Hỗ trợ dịch thủ công và dịch tự động
  • Trình chỉnh sửa bản dịch trực quan
  • Tự động phát hiện ngôn ngữ của người dùng
  • Tạo tài khoản dịch chuyên nghiệp: Bạn có thể gán vai trò dịch cho bất cứ người dùng nào trên trang web. Khi đó, những người dùng này có thể dịch nội dung trên trang nhưng không thể truy cập vào khu vực quản trị đầy đủ của WordPress. Mục đích chính của tính năng này là để giữ an toàn và bảo mật cho website của bạn.

2. Đánh giá plugin TranslatePress

Để có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về TranslatePress, chúng ta sẽ cùng đánh giá plugin đa ngôn ngữ này dựa trên các yếu tố sau:

  • Tính dễ sử dụng
  • Khả năng dịch
  • Hỗ trợ SEO
  • Tốc độ tải trang
  • Giá cả

2.1. Tính dễ sử dụng

TranslatePress được đánh giá là một trong những plugin đa ngôn ngữ dễ sử dụng nhất hiện nay. Trong khi Polylang và WPML chỉ là các plugin phụ trợ (quá trình dịch sẽ được thực hiện thủ công trên WordPress Editor) thì TranslatePress lại có giao diện trực quan, thân thiện với người dùng.

Plugin này sở hữu giao diện dịch frontend vô cùng sinh động, đơn giản, tương tự như trình tùy chỉnh Customizer trên WordPress. Để dịch nội dung, bạn chỉ cần di chuyển chuột đến vị trí chuỗi mình muốn và nhấp vào biểu tượng hình bút chì.

Giao diện dịch của TranslatePress rất trực quan, đơn giản

Nếu muốn biết rõ hơn về cách sử dụng plugin dịch thuật TranslatePress, bạn có thể xem bài hướng dẫn chi tiết tại đây:

Hướng dẫn dùng TranslatePress để tạo website đa ngôn ngữ dễ dàng

Một điều tuyệt vời nữa của TranslatePress là bạn có thể dịch và quản lý tất cả các ngôn ngữ trên cùng một giao diện duy nhất. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức nếu số lượng ngôn ngữ cần dịch nhiều hơn hai.

2.2. Khả năng dịch

Để đánh giá về khả năng dịch của TranslatePress, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua 3 khía cạnh, đó là:

  • Số lượng ngôn ngữ plugin hỗ trợ dịch
  • Tính hoàn chỉnh của bản dịch (các nội dung mà plugin TranslatePress có thể dịch)
  • Cách thức dịch (cho phép dịch thủ công hay dịch tự động)

Số lượng ngôn ngữ plugin TranslatePress hỗ trợ dịch

Khi sử dụng gói plugin TranslatePress miễn phí, bạn chỉ được phép dịch trang web sang một ngôn ngữ duy nhất (tương tự như Weglot). Nếu muốn dịch nội dung sang nhiều ngôn ngữ hơn, bạn cần sử dụng phiên bản TranslatePress cao cấp (có trả phí).

Số lượng ngôn ngữ tối đa mà plugin TranslatePress có thể hỗ trợ dịch hiện nay đã lên đến 221 ngôn ngữ.

Tính hoàn chỉnh của bản dịch

Một điểm hấp dẫn của plugin TranslatePress là nó cho phép bạn dịch tất cả mọi nội dung trên trang của mình, bao gồm bài đăng, slug, tiêu đề, meta description, hình ảnh, cho đến cả theme, plugin,…

Đặc biệt, plugin đa ngôn ngữ TranslatePress còn hỗ trợ dịch các nội dung trên WooCommerce rất tốt. Hiện tại, đây là plugin duy nhất cung cấp khả năng tương thích với Woocommerce trong gói miễn phí.

Trong hình ảnh ví dụ bên dưới, trên shop WooCommerce, bạn có thể dịch nội dung của nút “Add to cart” (Thêm vào giỏ) từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt một cách dễ dàng.

Cách thức dịch

Bên cạnh việc cho phép dịch thủ công như WPML và Polylang, plugin TranslatePress còn hỗ trợ bạn dịch tự động bằng cách tích hợp với API Google Translation hoặc API DeepL. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc dịch tự động sẽ được tính phí dựa trên số từ. Để biết rõ hơn về cách tính phí của API Google Translation và API DeepL, bạn có thể đọc thêm ở đây:

Nếu bạn sử dụng tính năng dịch tự động của TranslatePress, các bản dịch sẽ được lưu lại trên hệ thống cơ sở dữ liệu của WordPress. Như vậy, dù ngừng sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp thì các nội dung dịch của bạn vẫn sẽ không bị mất đi. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể chỉnh sửa thủ công các bản dịch do máy tạo ra bất cứ lúc nào nếu cần.

Có thể nói TranslatePress là một sự kết hợp khá toàn diện giữa WPML/Polylang (plugin dịch thủ công) và Weglot (plugin dịch tự động).

2.3. Hỗ trợ SEO

TranslatePress được đánh giá rất thân thiện với SEO. Plugin cho phép bạn tùy chọn các thư mục con – subfolder (ví dụ: yourite.com/es/content) cho các ngôn ngữ dịch (tương tự như plugin Weglot). Tuy nhiên bạn sẽ không thể sử dụng các tên miền phụ.

Bên cạnh đó, nếu muốn hỗ trợ SEO tốt hơn, bạn có thể chọn mua các gói TranslatePress cao cấp để được sử dụng Add-on SEO Pack. Khi đó, bạn sẽ dịch được:

  • Các link URL
  • Tiêu đề trang và phần mô tả (description)
  • Image alt text
  • Facebook Open Graph tag

Điều này sẽ giúp website của bạn tăng thứ hạng dễ dàng hơn trên trang tìm kiếm địa phương.

Ngoài ra, TranslatePress cũng tự động thay đổi link menu và widget trên các trang dịch. Trong khi đó, nếu sử dụng WPML hoặc Polylang thì bạn phải thực hiện các thao tác này một cách thủ công.

2.4. Tốc độ tải trang

Một trong những yếu tố hàng đầu bạn cần quan tâm khi chọn plugin dịch thuật WordPress là nó ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ tải trang. Tốc độ tải trang chậm sẽ làm hạ thấp thứ hạng tìm kiếm của trang web, từ đó khiến lưu lượng truy cập website ít đi và cuối cùng làm doanh thu cũng giảm theo.

Vậy TranslatePress ảnh hưởng đến tốc độ tải trang như thế nào?

Dưới đây là bài kiểm tra về tốc độ tải trang được thực hiện bởi chính đội ngũ của TranslatePress. Bạn có thể tham khảo nó để đánh giá plugin dịch thuật TranslatePress một cách đầy đủ hơn.

Bài kiểm tra được thực hiện trên một trang sử dụng theme Twenty Fifteen với nội dung khoảng 1.600 từ và không cài đặt thêm một plugin nào khác ngoại trừ plugin đa ngôn ngữ đang được kiểm tra.

Các plugin đa ngôn ngữ được kiểm tra bao gồm: TranslatePress, Weglot, Polylang và WPML.

** Thời gian tải trang trên mỗi plugin được đo 30 lần và tính trung bình. Thực nghiệm này đã sử dụng Chrome DevTools để đo thời gian tải.

Kết quả của thực nghiệm được minh họa như bên dưới:

Biểu đồ 1 cho thấy thời gian tải trang gốc trong cuộc thử nghiệm:

Biểu đồ 1

Với biểu đồ trên, chúng ta thấy rằng TranslatePress và Weglot có thời gian tải khá tốt (dưới 1 giây). Trong khi đó, Polylang và WPML dường như mất nhiều thời gian hơn để tải trang.

Biểu đồ 2 cho thấy thời gian tải trang đã dịch:

Biểu đồ 2

Với biểu đồ này, chúng ta có thể thấy rằng Weglot có thời gian hiển thị trang dịch tăng lên đáng kể so với trang gốc (thời gian tải mất gần 1,5 giây). Điều này có thể vì nội dung dịch của Weglot không được lưu trên hệ cơ sở dữ liệu WordPress. Do đó, plugin cần nhiều thời gian hơn để kết nối với máy chủ Weglot khi muốn cung cấp bản dịch cho trang web.

Trong khi đó, thời gian tải của TranslatePress không bị ảnh hưởng nhiều dù số lượng từ cần dịch khá lớn. Lý do là vì các bản dịch của TranslatePress được lưu sẵn trong cơ sở dữ liệu nội bộ nên truy xuất dữ liệu sẽ nhanh hơn.

Các bài kiểm tra về tốc độ tải trang có thể thay đổi tùy thuộc vào các thiết lập WordPress và plugin kèm theo. Tuy nhiên, dựa vào kết quả thử nghiệm trên, chúng ta thấy rằng TranslatePress có tốc độ tải trang khá nhanh (đối với cả trang gốc và trang dịch) so với các plugin dịch thuật phổ biến khác.

2.5. Giá cả

Plugin TranslatePress cung cấp cả bản miễn phí và trả phí cho người dùng. Trong đó, phiên bản trả phí của TranslatePress có 3 gói để bạn lựa chọn:

  • Cá nhân (cho phép sử dụng trên 1 trang web duy nhất): 79 € /năm (tương đương với khoảng 88 đô la Mỹ).
  • Doanh nghiệp (cho phép sử dụng tối đa trên 3 trang web): 139 €/năm (tương đương với khoảng 155 đô la Mỹ)
  • Nhà phát triển (số lượng trang web sử dụng không giới hạn): 199 € /năm (tương đương với khoảng 222 đô la Mỹ).

Mỗi gói trả phí đều cung cấp giao diện dịch nâng cao, hỗ trợ SEO Pack Addon, 1 năm cập nhật và hỗ trợ cao cấp.

Bảng giá của TranslatePress

Nhìn chung, so với các plugin dịch thuật phổ biến khác thì mức giá mà TranslatePress đưa ra là khá tốt. Hơn nữa, plugin còn có phiên bản miễn phí (trong khi đó WPML bắt buộc trả phí tối thiểu 29 USD để sử dụng 1 năm).

3. Ưu, nhược điểm của plugin TranslatePress

Để giúp bạn đánh giá plugin TranslatePress một cách toàn diện và chính xác hơn, sau đây chúng tôi xin đưa ra bảng nhận xét tổng quan về ưu/nhược điểm của plugin:

Ưu điểm

Nhược điểm

–        Có phiên bản miễn phí để bạn lựa chọn.

–        Giao diện frontend trực quan, thân thiện, dễ sử dụng.

–        Hỗ trợ dịch tất cả các loại nội dung như: bài đăng, Taxonomy, các mục menu, theme, plugin, shortcode output, URL, WooCommerce Product,…

–        Hỗ trợ SEO Pack Addon cho các trang web đa ngôn ngữ.

–        Tự động phát hiện ngôn ngữ của người dùng: Chuyển hướng người dùng sang bản dịch dựa trên ngôn ngữ trình duyệt hoặc địa chỉ IP của họ (đây là một tính năng cao cấp).

–        Cung cấp tài khoản dịch chuyên nghiệp để giúp bảo mật website tốt hơn (người dịch có thể chỉnh sửa bản dịch nhưng không được cấp quyền admin).

–        Phiên bản miễn phí còn hạn chế, chỉ cho phép bạn dịch sang một ngôn ngữ.

–        Không hỗ trợ SEO Pack Addon đối với phiên bản miễn phí.

4. Tổng kết

Dựa vào những đánh giá plugin TranslatePress trên, chúng ta có thể thấy đây là một plugin dịch thuật rất đơn giản, dễ sử dụng. Phiên bản miễn phí vẫn ổn để giúp tạo ra một website đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, để tối ưu hóa cho SEO, bạn cần phải đầu tư vào một trong các gói trả phí của TranslatePress.

Nếu không am hiểu nhiều về lập trình nhưng vẫn muốn dịch được toàn diện trang web WordPress thì plugin TranslatePress sẽ là sự lựa chọn hàng đầu dành cho bạn.

Những ưu điểm nổi bật của plugin này đó là sở hữu giao diện trực quan, thân thiện với người dùng, cho phép dịch máy tự động và hỗ trợ WooCommerce miễn phí. Với những tính năng mà TranslatePress mang lại, chúng tôi xin được phép đánh giá 4,5/5 sao.

Hy vọng rằng với những đánh giá plugin TranslatePress trên đây của chúng tôi, bạn đã có thêm thông tin cần thiết để lựa chọn plugin dịch thuật tốt nhất cho mình. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các plugin dịch thuật khác, có thể tham khảo bài viết về 4 plugin đa ngôn ngữ tốt nhất của chúng tôi.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments