Hướng dẫn dùng TranslatePress để tạo website đa ngôn ngữ dễ dàng
17 Nov, 2021 admin
TranslatePress là một trong những plugin dịch thuật tốt nhất hiện nay. Với plugin này, bạn có thể chuyển nội dung website của mình sang nhiều ngôn ngữ khác nhau vô cùng dễ dàng. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết để bạn tạo website đa ngôn ngữ với TranslatePress. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Giới thiệu chung về TranslatePress
Được phát triển bởi Cozmoslabs, TranslatePress là một trong những plugin dịch thuật WordPress tốt nhất hiện nay.
TranslatePress cho phép bạn dịch tất cả các nội dung trực tiếp trên giao diện frontend trực quan của website (tương tự như Weglot). Đồng thời plugin này cũng có các tính năng riêng trong dashboard.
Cách sử dụng của TranslatePress rất đơn giản. Dù không phải là dân kỹ thuật, bạn vẫn có thể dịch nội dung website với plugin này một cách dễ dàng. TranslatePress có thể dịch hầu hết các loại nội dung trên trang web như: WooCommerce Product, URL, các mục trên menu, theme, plugin string, page builder content, shortcode,…
Plugin này hiện có phiên bản miễn phí và trả phí. Đối với phiên bản trả phí, bạn sẽ phải trả các mức giá như sau:
– Sử dụng cho 1 website: 79 USD/năm
– Sử dụng cho 3 website: 139 USD/năm
– Số lượng website không giới hạn: 199 USD/năm
Nếu muốn tìm hiểu thêm về tính năng của các phiên bản của TranslatePress, bạn có thể truy cập vào trang chủ của nhà cung cấp tại đây.
2. Hướng dẫn tạo website đa ngôn ngữ với TranslatePress
Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các bước để tạo website đa ngôn ngữ với plugin dịch thuật TranslatePress. (Các bước sau đây được thực hiện với phiên bản miễn phí).
2.1. Hướng dẫn cài đặt và thiết lập cấu hình
Bước 1: Cài đặt và kích hoạt plugin TranslatePress
Tương tự như các plugin khác, bạn có thể cài đặt plugin dịch thuật TranslatePress bằng cách: Vào mục Plugin > Add new > Gõ từ khóa “translatepress” vào ô tìm kiếm > Chọn đúng plugin TranslatePress và click nút “Install now” để cài đặt.
Sau khi cài đặt thành công, click nút Active để kích hoạt plugin TranslatePress.
Bước 2: Nhập mã cấp phép
Ở khu vực dashboard WordPress, bạn vào mục Setting > TranslatePress.
Hệ thống sẽ hiển thị một bảng gồm 6 tab: General, Translate site, Automatic Translation, Addons, License và Advanced.
Nếu đang sử dụng phiên bản trả phí, bạn cần chuyển sang tab License (giấy phép) và nhập mã cấp phép vào đây. Thông tin về mã cấp phép có thể được tìm thấy trong tài khoản của bạn trên trang TranslatePress.
Nếu dùng bản miễn phí thì bạn có thể bỏ qua bước này và đến với bước tiếp theo.
Bước 3: Thiết lập cấu hình cài đặt TranslatePress
Để thiết lập cấu hình cài đặt cho plugin dịch thuật TranslatePress, bạn vào tab General (cài đặt chung).
Tại đây, cần lưu ý một số tùy chọn cơ bản như sau:
– Default language: Ngôn ngữ mặc định (ngôn ngữ gốc của trang web). Trong hình ví dụ bên dưới, chúng tôi đã chọn ngôn ngữ mặc định là tiếng Việt.
– All language: Trong mục này, ngoài ngôn ngữ mặc định (đã được thiết lập ở Default language), bạn có thể chọn thêm các ngôn ngữ mà mình muốn dịch. Ở đây, chúng tôi đã chọn ngôn ngữ dịch là tiếng Anh.
Lưu ý, bản miễn phí chỉ có thể dịch nội dung trang web sang một ngôn ngữ duy nhất. Nếu muốn trang web hiển thị với 3 ngôn ngữ trở lên, bạn cần mua gói TranslatePress cao cấp.
– Use a subdirectory for the default language: Bạn có thể cho phép hiển thị tên ngôn ngữ mặc định trong URL hoặc không. Thiết lập mặc định của mục này là “Không”. Có nghĩa là nếu website của bạn đang ở ngôn ngữ mặc định tiếng Việt, URL sẽ có dạng http://example.com/ thay vì http://example.com/vn/. Còn khi website hiển thị với ngôn ngữ khác thì tên ngôn ngữ đó sẽ xuất hiện trong URL (ví dụ: http://example.com/en/). Chúng tôi khuyên bạn nên giữ nguyên thiết lập mặc định vì nó sẽ tốt cho SEO.
– Language Switcher (nút chuyển đổi ngôn ngữ): Bạn có thể thay đổi cách “nút chuyển đổi ngôn ngữ” hiển thị trên website. Ở đây có một số tùy chọn như: hiển thị đầy đủ tên ngôn ngữ, hiển thị tên ngôn ngữ và quốc kỳ, chỉ hiển thị quốc kỳ, hiển thị tên viết tắt của ngôn ngữ,…
Ngoài ra, bạn có thể thêm nút chuyển đổi ngôn ngữ dạng floating (trôi nổi) bằng cách click chọn “Floating language selection”.
Sau khi hoàn thành tất cả các thay đổi, click vào nút “Save Changes” phía dưới để lưu các thay đổi của bạn.
2.2. Dịch nội dung trên trang web theo cách thủ công
Sau khi tiến hành cài đặt và thiết lập plugin dịch thuật TranslatePress xong, bạn có thể dịch nội dung trên trang bằng cách thực hiện các bước sau:
Bước 1: Mở Front-end editor
Click vào tab “Translate Site” trên trang cài đặt plugin hoặc biểu tượng “Translate site” ở thanh menu trên cùng của dashboard.
Hệ thống sau đó sẽ mở một trình soạn thảo trực tuyến tương tự như trình tùy chỉnh Customizer thường thấy trên WordPress:
Trong trình soạn thảo này, bạn có thể nhấp vào bất kỳ văn bản nào trên trang web ở khung bên phải và TranslatePress sẽ dịch nó ở cột bên trái.
Bất cứ khi nào bạn thực hiện thay đổi, kết quả sẽ xuất hiện trên trang theo thời gian thực.
Bước 2: Chọn nội dung cần dịch
Để dịch nội dung trên trang, bạn có 2 cách:
Cách 1: Chọn nội dung cần dịch từ hộp danh sách
Nhấp vào hộp menu nằm ngay bên dưới phần ngôn ngữ mặc định, bạn sẽ thấy danh sách các chuỗi văn bản có thể dịch.
Click chọn một nội dung bất kỳ mà bạn muốn dịch trong danh sách đó.
Chuỗi văn bản này sẽ hiển thị trong hộp nội dung phía dưới:
Cách 2: Sử dụng tính năng Translation Block (dịch theo khối).
Cách làm này khá trực quan và đơn giản. Cụ thể, để dịch một khối văn bản bất kỳ, bạn chỉ cần rê chuột đến vị trí đó. Ký hiệu bút chì màu xanh sẽ hiện ra. Khi click vào đó, nội dung của khối văn bản sẽ hiển thị ở thanh menu bên trái:
Bước 3: Dịch nội dung sang tiếng Anh
Do đây là phương pháp dịch thủ công nên bạn cần chuẩn bị sẵn một bản nội dung dịch sang tiếng Anh.
Sau đó, tại ô “To English”, điền nội dung mà bạn đã dịch vào đó.
Cuối cùng, click vào nút “Save translation” ở phía đầu thanh menu. Plugin dịch thuật TranslatePress sẽ tự động lưu các nội dung đã dịch vào cơ sở dữ liệu.
Dưới đây là kết quả:
2.3. Dịch nội dung trên trang web tự động
Plugin dịch thuật TranslatePress có tính năng tự động dịch nội dung website thông qua các API có sẵn.
Đối với phiên bản TranslatePress miễn phí, bạn cần sử dụng thêm API Google Translate v2 để dịch tự động. Trong khi đó, các phiên bản trả phí của TranslatePress sẽ tích hợp với API DeepL.
Muốn sử dụng các API này, bạn cần tạo tài khoản với nhà cung cấp để lấy khóa. Dưới đây là các hướng dẫn chi tiết để bạn tạo khóa API Google Translate và API DeepL:
– Cách tạo khóa API Google
– Cách tạo khóa API DeepL
Lưu ý, API Google Translate không miễn phí. Google tính phí 20 đô la/ 1.000.000 ký tự mà bạn dịch. Bạn có thể đọc thêm về điều này ở đây.
Tuy nhiên, Google hiện đang hỗ trợ khách hàng “Dùng thử miễn phí” dịch vụ này. Theo đó, bạn sẽ được miễn phí cung cấp một khóa API Google Translate có trị giá 300 đô la và dùng trong 90 ngày.
Sau khi có được khóa API, hãy vào mục Setting > TranslatePress > Chọn tab “Automatic Translation”.
Tại đây, có một số tùy chọn thiết lập cần lưu ý như sau:
– Enable Automatic Translation: Chọn “Yes” để bật tính năng dịch tự động.
– Translation Engine: Chọn “Google Translate v2” nếu bạn đang sử dụng plugin TranslatePress phiên bản miễn phí.
– Google Translate API Key: Điền khóa API mà bạn được cung cấp bởi Google.
– Limit machine translation / characters per day (Giới hạn số lượng bản dịch máy / ký tự mỗi ngày): Tùy chọn này cho phép bạn giới hạn số lượng ký tự mà plugin TranslatePress sẽ dịch thông qua API mỗi ngày. Giới hạn mặc định được đặt là 1.000.000 ký tự nhưng bạn vẫn có thể điều chỉnh theo ý mình. Mục đích chính của tùy chọn này là để giới hạn mức chi phí mà bạn phải trả cho quá trình dịch tự động.
– Log machine translation queries: Tùy chọn này chỉ được khuyến nghị để kiểm tra và gỡ lỗi vì nó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất. Khi bật tính năng này, mọi yêu cầu dịch thông qua API sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu để bạn có thể kiểm tra.
Sau khi hoàn tất các thiết lập, hãy bấm vào nút “Save Changes” để lưu lại các thay đổi.
3. Kết luận
TranslatePress là một plugin dịch thuật rất đơn giản và dễ sử dụng. Với plugin này, bạn có thể dịch trang web WordPress của mình mà không cần bất kỳ kiến thức lập trình nào.
Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về các công cụ hỗ trợ tạo website đa ngôn ngữ khác, có thể xem thêm bài viết của chúng tôi về 4 plugin dịch thuật tốt nhất hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp các hướng dẫn sử dụng Weglot – một plugin dịch thuật tự động hàng đầu hiện nay. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn giải pháp dịch thuật tốt nhất cho mình.
Hy vọng những chia sẻ trên của Diều Hâu sẽ giúp bạn tạo website đa ngôn ngữ dễ dàng hơn. Chúc bạn thành công!